Friday, September 27, 2013

BÌNH THUẬN, HIỀN HÒA NHƯ TÊN GỌI

 Gia đình chúng tôi, người thì mang những mo cơm vắt sẵn, kẻ thì khiêng những khúc bương chứa đầy nước lạnh. Nhỏ bé như anh em tôi thì ôm những cục đường tán hoặc mật ong, âm thầm lặn lội xuống thuyền. Bố tôi cùng những người lớn kẻ chèo, người chống cho đến khi chiếc thuyền rời khỏi cửa Vạn Phần và kéo buồm xuôi theo cơn gió. Gần hai tuần lễ lênh đênh trên biển cả với sóng đập gió gào, chiếc thuyền buồm mỏng manh có lúc như gần bị nhận chìm xuống lòng biển cả. Chung quanh toàn là biển cả mông mênh, không định hướng được đâu là bờ bến. Tất cả mọi người chỉ còn biết phú thác định mệnh cho Trời. Cuối cùng thì cho dù chiếc thuyền bị nhận chìm ở cửa Thuận An, nhưng chúng tôi được người dân Huế hết lòng cứu vớt lên bờ được mọi sự bình an. Từ đó chúng tôi thoát ra khỏi vùng đất cay nghiệt Bắc Việt, nơi mà các ông Vô Thần đang tiến chiếm.
Sau khi tạm cư tại Huế được ba tháng, rồi như tuân theo Thiên ý, bố mẹ tôi quyết định xuống Miền Trung để tìm nơi lập nghiệp. Chuyến xe lửa từ Huế chở hàng ngàn người, trong đó có gia đình chúng tôi đến ga Phan Thiết. Sau khi từ giã bà con và những người đồng cảnh ngộ di cư tìm đất sống, chúng tôi được chính quyền chuyển đến làng Vinh Phú, và cuối cùng bố tôi “nhận nơi này làm quê hương thứ hai” để tái tạo cuộc sống mới, dù nơi đây rất hoàn toàn xa lạ.
Cho đến hôm nay, sau hơn hai mươi năm xa rời mảnh đất, mà nơi đó nhờ công ơn cha mẹ cần cù hy sinh nuôi dưỡng, nhờ cơm cá, nhờ phong thổ của Bình Thuận mà tôi được khôn lớn và hãnh diện làm người Việt Nam. Dù có thể nhiều phần không đúng khi muốn nhắc đến một nơi mà tôi đã thọ ơn, nhưng tôi vẫn muốn viết lại một nơi mà tôi yêu quí trong cuộc đời.
Bình Thuận, một tỉnh thuộc duyên hải Trung phần Miền Nam Việt Nam, nằm dọc theo Quốc Lộ số 1, cách Sài Gòn 195 cây số về hướng Bắc. Thời chế độ Tự Do, tỉnh Bình Thuận gồm có các quận là Hàm Thuận, Thiện Giáo, Hải Long, Sông Mao, Hòa Đa, Phan Rí, Tuy Phong... và phải công tâm nhìn nhận rằng người dân Bình Thuận vô cùng hiền hòa, chất phác và bao dung đúng như tên gọi của đất Bình Thuận. Bởi vì chỉ cần nói đến từng danh xưng của mỗi quận, mỗi xã, mỗi làng thì chúng ta nghe toàn những từ ngữ êm ái, dịu dàng. Bình Thuận lại còn là một vùng đất đầy danh lam thắng cảnh như bờ biển Hải Long, Lầu Ông Hoàng, Mũi Cà Ná, Ghềnh Đá Long Hương, Đảo Phú Quý, Bãi Thương Chánh và, nhiều, nhiều lắm. Bạn có thể thấy Bình Thuận là một vựa lúa khổng lồ cò bay cũng phải mỏi cánh bởi nó trải dài từ quận Hàm Thuận, vòng lên quận Thiện Giáo, xuyên lên tận Sông Mao, tràn xuống Hòa Đa, chạy thấu mạn tây bắc Tuy Phong. Chẳng những lúa gạo mà cả đến mọi thứ ngũ cốc khác như khoai lang, khoai mì, đậu xanh, đậu phộng, bắp, dưa hấu... và không những nuôi dân Bình Thuận mà còn nuôi dân Miền Trung no ấm nữa. Bạn còn phải vô vàn thích thú khi biết được ngư dân Bình Thuận cung cấp nguồn hải sản ngon tuyệt và vô tận với một giải bờ biển với bãi cát trắng phau nối nhau miệt mài từ Mũi Đèn, tức là hải đăng Phan Thiết, tràn qua Vinh Phú, Vinh Thủy, Thanh Hải, Long Hải rồi lướt ra Tuy Phong và theo sóng lượn tới Mũi Cà Ná để rồi ngưng ở đó vì không dám “xâm lăng” qua hải phận Phan Rang. Vùng biển Bình Thuận là một kho tàng hải sản đã nuôi dân, làm giàu cho dân... mà bây giờ chỉ mới thoáng nhắc, tôi nghe thèm nhỏ giãi mùi thơm ngon ngọt của những con điệp, những con tôm thẻ bạc, những con sò, ốc, những con mực mà dòng giống kéo dài như mực nang, mực tuộc, mực sim, mực ống... Ôi nghe thèm quá, cho tôi nuốt nước bọt một chút rồi còn phải tưởng thèm mùi vị của cá nục, cá thu, cá ngừ, cá trích, cá mòi, cá bạc má, cá cơm, cá mai, cá mú tươi rói... và, và để cho tôi một giây hít ngửi mùi “nước mắm Phan Thiết” nữa chứ!
Nhưng chưa phải hết đâu. Ngoài những kho tàng ngũ cốc, nguồn hải sản bất tận như lời ca tụng của nhân gian “đồng vàng biển bạc”, mà tỉnh Bình Thuận còn biết bao nhiêu nguồn tài nguyên thiên nhiên khác như muối, trải dài trắng như tuyết, cao như núi, không bao giờ chấm tận. Có ai đã từng uống nước suối thiên nhiên, có sùi bọt lên như ga, mà rất êm dịu tươi mát, nguồn nước quí ấy cứ phun lên mãi, chưa ngừng, và có lẽ không bao giờ ngưng. Đó là nguồn nước suối Vĩnh Hảo của tỉnh Bình Thuận đó bạn ơi! Tất cả, một giải đất sung túc, mầu mỡ, phì nhiêu và vô cùng hiền hòa như thế làm sao không lại là nơi cho chim làm tổ bạn nhỉ! Chim muông còn biết được như thế huống chi bố mẹ tôi đã chọn nơi này để cho các ngài và con cháu có được cuộc sống thanh bình no ấm. Tôi muốn mời bạn về thăm lại nơi này, trong không gian của hai mươi lăm năm về trước, dù tạm thời trong trí tưởng, để có thể cảm nghiệm được chút nào nơi tôi đã khôn lớn nhờ hít thở không khí của đất lành, nhờ ăn những miếng cơm, những miếng cá của đất Bình Thuận có được từ công lao to lớn như trời biển của bố mẹ tôi tảo tần. Nào ta thử nhắm mắt cùng... đi...
* PHAN THIẾT VÀ... MÙI CÁ
Thị xã Phan Thiết là thủ phủ của tỉnh Bình Thuận, không rộng và chiều dài từ bến xe đi lục tỉnh vòng đến ngã ba chữ Y theo trục Quốc Lộ số 1 ra tới cầu Sở Muối. Phan Thiết có diện tích nhỏ mà tiếng tăm lại lớn nhờ những sinh hoạt náo nhiệt buôn bán trong thành phố đến những ồn ào náo động của các bến ghe thuyền và nổi tiếng nhất nhờ mùi cá và mùi... nước mắm vô vàn thân thương. Bạn đừng vội cười trên mũi tôi vì lời ca tụng mùi nước mắm này đấy nhé! Bởi nó không thân thương làm sao được vì khi bạn ăn cơm, ăn bún, ăn phở, ăn lòng heo, bánh hỏi và đủ thứ thức ăn khác mà thiếu nước mắm, đặc biệt là các loại mắm Phan Thiết thì kể như bữa ăn của bạn đã mất phần hương vị thơm ngon đậm đà rồi phải không? Thế thì đừng cười tôi nữa bạn nhé để tôi đưa bạn đến xem những vựa mắm khổng lồ. Nhưng trước tiên nên đi xem sinh hoạt và thắng cảnh xong, khi nào cảm thấy khát nước, chúng ta sẽ ghé những vựa sản xuất các loại mắm...
Quốc lộ số 1 từ Sài Gòn chạy ra Miền Trung hồi trước phải chạy trên đường Trần Quý Cáp, vòng qua đường Gia Long giữa thành phố Phan Thiết, mà hai bên đường phố là nơi buôn bán sầm uất nhất. Bên này là khu thị tứ, băng qua cầu sắt và bên kia là khu Hành Chánh Tỉnh được ngăn chia thành hai phần rõ rệt bởi giòng sông Cà Tót nhập với sông Mương Mán chảy xuyên qua thành phố và đổ ra biển. Chính nhờ giòng sông này tạo cho thành phố Phan Thiết một cảnh đẹp và dễ thương vô cùng. Bên nguồn nước khi đục khi trong theo từng mùa của tạo hóa, công viên Phan Thiết với những cây cổ thụ vươn cành rợp lá, những cây kiểng được những bàn tay nghệ thuật tác tạo thành hình những con công, con đại bàng xem đẹp đến mê man. Lầu nước cao chót vót mà khi bọn chúng tôi còn để tóc “đờ mi cua” thường hay xi xô cái chữ Tây là “Sa-tu-đô” in hình trên làn nước sông trong xanh vào mỗi mùa hè, trộn lẫn với những hàng cây phượng vĩ đỏ chói dọc theo trường Nữ Trung Học. Hình ảnh này không bao giờ chúng tôi quên được. Bóng dáng của lầu nước cao, bóng dáng những tà áo dài nghiêng nghiêng vành nón, bóng dáng của những cậu học sinh áo trắng quần tây xanh cùng lũ lượt băng qua cầu và in trên giòng sông Mương Mán, nó miên man và tình tứ lắm đi thôi!
Sau này trong chương trình mở mang kiến thiết, xe cộ xuyên tỉnh không còn chạy trong lòng thành phố nữa vì một đoạn xa lộ được nối tiếp từ đường Trần Hưng Đạo, vượt qua cầu đúc xi măng cốt sắt, cũng gọi là cầu Trần Hưng Đạo thông ra cầu Sở Muối trên trục Quốc Lộ số 1 và xe cộ cứ thế bon bon xuyên qua các tỉnh Miền Trung. Xin dừng một phút ở đây để nói về ngôi trường và một vài kỷ niệm khó quên của thuở học trò. Đó là trường trung học Ngô Đình Khôi được xây 2 tầng rất khang trang trên vùng đất rộng gần ba mẫu tây, phía sau cũng một dãy hai tầng làm ký túc xá cho học sinh nội trú, một sân chơi bóng rổ rộng rãi. Sau chính biến 1-11-63, tên trường được đổi thành Chính Tâm. Ngôi trường này là nơi mà chúng tôi cũng như hàng chục ngàn học sinh đã từng mài rách mươi lăm bộ áo quần để kiếm mớ vốn liếng cho cuộc đời. Thời đó, quả thực như dân gian ghán ghép “nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò!” Mỗi lần vào lớp học, có đứa siêng năng cắm mũi nghe thầy cô giảng dạy, có lắm đứa thì say mê xé giấy tập vở xếp thành máy bay rồi phóng lên, có lúc trúng đầu thầy cô tóc đang trắng dần vì... bụi phấn. Lại lắm đứa xếp giấy thành những chiếc tàu, lấy mực đen bôi lên ống khói và thả... neo trên bàn. Các thầy cô rất buồn bực, có khi lẩm bẩm “nhỏ không chịu học lớn lên đòi làm quan...”. Cái đám học trò cũng cứ mặt chai mày đá cho đến khi thầy cô cầm cái thước bảng dài thoòng lên thì cái bọn học trò ngoan đáo để, cắm bút nhìn ra ngoài cửa sổ, bảo rằng thưa thầy cô em đang suy nghĩ!!! Cho đến sau khi thi cái bằng tú tài hai (nặng), không biết là có bao nhiêu cô cậu đi tướt. Nhưng về phía mắt phượng mày ngài lăm le thượng đài mai cúc, vì bọn chúng tôi tuy mang tiếng là tu mi, nhưng rất lắm thằng chỉ mới lưa thưa vài cọng ria mép, trông không có một chút phong độ nào cả. Rồi tin tức truyền đi mau chóng, đứa thì xin chui vào mái trường... Chiến Tranh Chính Trị, có đứa nộp đơn vào trường Võ Bị. Còn hàng chục đứa thì tự nhiên bị mặt xanh da vàng, lưng gầy bụng ỏng... cho đến khi cầm chắc được tờ giấy “miễn dịch vĩnh viễn”, tự nhiên chúng mập khỏe hẳn ra và đua nhau... cưới vợ. Hầu như đám học sinh này đã giao kết với nhau thúc vợ đẻ cho mau hết lứa, cho nên đứa nào cũng tay dắt nách mang, cõng trên lưng, đội trên cổ một bầy quý nương, công tử xem ra rất rộn ràng. Cũng có nhiều thằng đã từng bị thầy cô khện thước bảng trở thành kỹ sư cầu cống, kỹ sư đào mỏ. Lắm thằng biết lái trực thăng, L.19, khu trục. Cũng đảo lên lộn xuống, nghiêng cánh đổi hướng bay trông cũng rất là phi cơ... Lại có lắm thằng trở thành sĩ quan “lính nước”, có khi trục quay bị kẹt, quan lính hì hục kéo sợi dây xích mỏ neo to tổ bố đến phỏng cả tay. Có khi trời làm phong ba, con tàu chao đảo chồm lên hụp xuống, vì chưa quen sóng nước, chàng sĩ quan chạy không kịp nên bám cửa vói đầu ra ngoài để “hét ra cơm mửa ra nước” cả boong tàu. Phong ba bão tố không thể chìu theo, người “sĩ quan” đệ đơn xin phục vụ ở căn cứ, cấp trên cũng thông cảm cho về trên các giang đỉnh, hoặc thuyền trưởng để bớt bị sóng gió và không còn được hát bài Hoa Biển nữa. Tiếc đến thế thì thôi! Còn phần tôi cứ lầm lũi với nghề cạo giấy, mãi về sau mới tập tành làm thợ săn... tin và viết lách để cho đời bớt cô đơn!
Bây giờ tôi với bạn thả bộ dọc theo đường Trưng Trắc, hai bên bờ sông là những dãy nhà sàn, ghe thuyền đậu san sát kéo dài tới bến cá Cồn Chà với hàng ngàn ghe thuyền đủ loại. Bên kia là bến Đông Hải, hàng ngàn ghe thuyền cũng chen chúc nhau. Đây là cửa biển, lối ra đại dương để hành nghề “hạ bạc thâu vàng”.
Cũng như các vùng biển Việt Nam, ngư phủ Phan Thiết đi đánh bắt cá bằng nhiều dụng cụ và phương tiện khác nhau. Nghề bắt cá đi nổi thì có các loại lưới cước từ thân hai để bắt cá trích, cá mòi, cá lẹp. Hoặc lưới thân tư, thân năm để bắt cá cam, cá lầm, cá ngừ, cá thu... Ngư phủ chạy ra biển khơi, tùy theo con nước để bủa những dàng lưới dài từ một cây số đến bốn năm cây số. Neo ghe và chờ con nước đứng, ngư phủ kéo lưới lên, cá đóng đầy đặc, họ chỉ xủ lưới cho cá rơi xuống khoang chứ không thể nào gỡ kịp, khi về đến bến giăng lưới lên bãi cát và gỡ hết cá ra. Có khi làm không xuể, ngư phủ cho dân hôi cá lại gỡ lấy phần. Bạn có biết không mỗi chuyến đi như vậy thu hoạch cả tấn cá, đó là chỉ một ghe thôi mà bạn chịu khó nhân lên cho hàng trăm chiếc ghe đánh cá về như thế. Ngư phủ Phan Thiết còn đánh bắt cá bằng lưới chà, mỗi năm vào mùa có thể chở về hàng vạn tấn cá nục, cá lầm, cá bạc má, cá kình, cá chim trắng, cá chim đen, cá sòng, cá cam... Vào mỗi mùa đánh bắt cá, ghe thuyền ra vào tấp nập, trưa, chiều và cả đêm tối nữa. Những ngọn đèn măng xông, đèn điện phát ra từ bình ắc qui, hoặc kẹt quá thì đốt đuốc để đong cá. À, mà bạn có nghe bên này la “cò”, bên kia la “cò” và đôi khi có tiếng cãi vã nhau nữa không? Cãi lộn mà vui lắm bạn ơi! Bởi vì mỗi khi ghe đánh cá về, các ông bà đầu nậu xuống ghe, trao cho ông bà chủ ghe, có khi trao cho ông “chèo dọc”, còn gọi là tài công, một bó đũa hoặc bó thẻ. Không phải là “thẻ bài” đâu nhé, mà là thẻ làm bằng tre, giống như thẻ xin xăm vậy đó. Mỗi một lần đong cá vào thùng, đổ xuống xuồng cho đầu nậu thì hô lên một tiếng “cò” nghe đến điếc lỗ tai. Có nghĩa là mỗi tiếng “cò” là một thùng cá đã đong và đổ xuống xuồng, ông bà chủ ghe trao lại cho đầu nậu một thẻ. Cứ như thế cho đến khi đong hết cá, kiểm lại số thẻ thì biết số lượng đã là mấy trăm thùng cá. Rồi cứ hàng tuần, đầu nậu tính thành tiền, rồi chở hàng bao bố tiền đến nhà chủ ghe, và ngư phủ đếm tiền thoải mái. Còn nghề dã cào có hai phương cách là dã cào đôi bởi hai chiếc ghe cùng kéo một lưới dã. Nghề này cũng nặng vốn vì mỗi chủ ghe ít nhất phải có hai dàng dã, xấp xỉ cả triệu đồng, rồi dây cáp cũng không rẻ dưới nửa triệu. Đến mùa, thường từ tháng tư đến gần cuối tháng mười một thì hai chiếc ghe đã có giao kết với nhau, cùng ra khơi, thả lưới dã, cùng kéo mỗi bên một dây cáp, cùng một tốc độ để cân bằng mặt dã. Sau vài ba tiếng đồng hồ, cũng có lúc trời thương, một tiếng đồng hồ thôi. Hai ghe cùng quay lại, trục dã lên và xúc cá lên ghe. Lặt lựa xong thường cũng được vài chục giỏ cần xé cá, tôm, mực... mỗi giỏ có thể cân nặng hàng trăm kí lô. Nghề dã cào đôi thường đánh bắt được cá lù đù, cá phèn, cá đổng, cá mối và được rất nhiều loại hải sản ngon tuyệt như ốc giác, ốc gai, sò, điệp, tôm hùm, tôm vỗ, mực tuộc, mực nang, tôm thẻ bạc. Có khi đánh bắt xong chạy về đến bến, các loại hải sản này vẫn còn ngọ ngoạy, thả vào nồi nước sôi, vớt ra thì chỉ còn thấy lưu linh chờn vờn trước mắt. Nào hãy khà một tiếng rồi gắp miếng điệp, hay miếng ốc thái mỏng, hoặc con tôm nướng bỏ vào miệng để biết... sống cả một cuộc đời ngon ngọt.
Có nhiều phương cách đánh bắt cá của ngư phủ Bình Thuận nữa bạn ơi! Diễn tả cho hết thì rất là miệt mài, đành xin lỗi bạn. Tôi chỉ xin vắn tắt, ngư phủ ở đây còn nghề dã tôm, dã ruốc, lặn bắt sò huyết, sò lông với những số lượng tôi không thể cân được... và cuối cùng là nghề kéo lưới rùng, dàng lưới dài cả vài nghìn mét, được giăng ra bao vây một vùng biển, cách xa bờ có khi dăm cây số. Mỗi đầu dây vài chục người, phăn kéo. Có khi cả nửa buổi mới kéo xong một vát rùng. Ôi chao, cá ve, cá cơm, cá mai trắng hếu, mỗi vát rùng gom được hàng tấn cá. Các loại này đặc biệt dùng để làm mắm nêm, nó ngon tuyệt cú mèo. Bạn thích ăn thịt ba rọi luộc cuốn bánh tráng rau sống không nhỉ? Hãy làm một chén mắm nêm trộn tỏi, ớt đâm nhuyễn. Bảo đảm bạn sẽ quên cả chất “cô-lét-tê-rô” để mà cuốn rau sống, trộn rau thơm, mấy miếng thịt ba rọi trong miếng bánh tráng và... chấm lia lịa!
Có lẽ bạn khát nước lắm rồi phải không? Tôi đưa bạn đến một khu làm nước mắm điển hình của Phan Thiết dọc theo đường Huyền Trân Công Chúa. Vừa đi hết khúc đường chợ sắt, mà chợ này không có bán sắt, chỉ vì trước đây là những đoạn đường rầy xe lửa rồi thành cái tên bị thừa nhận đấy thôi. Những dãy nhà lều, hay còn gọi là nhà thùng rộng lớn san sát nhau. Trong đó có hàng trăm cái thùng được ghép bằng cây ván, rất kín không thể rỉ nước ra được. Chiều cao mỗi thùng khoảng bốn năm thước, đường kính có thể sáu bảy thước. Với một kích thước như thế, mỗi thùng có thể chứa đến mấy tấn cá. Mỗi một mùa cá, các nhà thùng vô cùng tấp nập, bận rộn vì người gánh cá, gánh muối ra vào nườm nượp. Các nhân công đổ cá vào thùng, trộn muối và chờ thời gian để rồi biến những thùng muối cá này thành nước mắm đủ loại. Từ nước mắm nhĩ, loại tuyệt nhất, rồi đến nước nhì, nước ba. Thì tiền nào của nấy đó mà! Cứ đến từng chu kỳ, hàng đoàn xe cam nhông nối đuôi nhau để nhân công nhà thùng chất những tỉn, những thùng sắt tây đủ các loại nước mắm để cung ứng cho Sài Gòn, các tỉnh Miền Đông và Cao Nguyên Trung Phần. Đây cũng chỉ là một đơn vị làm nước mắm mà thôi. Nếu kể ra hết các “nhà thùng” tại Phan Thiết, Thanh Hải, Hải Long, Phan Rí Cửa... thì chắc chắn tôi và bạn nếu có giỏi bơi lội thì cũng bị chết chìm vì khối lượng nước mắm này. Tại sao ở đâu đâu cũng đều khen nước mắm Phan Thiết ngon nổi tiếng. Mà theo tôi hiểu vì là lượng cá do ngư dân đánh bắt về còn tươi xanh, lại nhờ muối sản xuất từ nước mắm thiên nhiên, không pha chế hóa chất, và dĩ nhiên cũng nhờ bàn tay của những người biết muối cá và chế biến thành mắm nêm hay các loại nước mắm khác nữa. Đặc biệt thêm nữa, nối sau các nhà lều, nhà thùng chế biến nước mắm thì cũng tại đây của Phan Thiết còn có một nhà máy sản xuất cá đóng hộp tương đối tối tân của thời điểm thập niên 60. Như đã trình bày ở trên, khối lượng cá đủ loại do ngư phủ đánh bắt về hằng hà vô số. Cá được vận tải cung ứng cho Sài Gòn, Miền Đông, Miền Cao Nguyên Trung Phần vẫn không hết, hàng trăm ngàn tấn cá để biến chế thành nước mắm vẫn không xuể và do đó nhà máy đóng cá hộp này cũng phải hoạt động quanh năm, và phần nhiều là xuất cảng đi các nước. Để khối lượng cá ngoài biển khơi còn chờ ngư phủ Bình Thuận chở về, để nuôi người dân no ấm và giàu có.
Đối diện với quán nước sinh tố này là ấp Vinh Phú, một nơi mà tôi đã được thân sinh ấp ủ, nuôi dưỡng dạy dỗ thành người từ ngày di cư vào Miền Nam Việt Nam năm 1955. Ấp Vinh Phú được thành lập từ thời đó trên một bãi cát ven biển. Vinh Phú có một ngôi Thánh Đường uy nghi, đồ sộ với ngọn tháp chuông cao đến năm mươi mét, và... tôi có quá nhiều kỷ niệm ở đó. Đến một lúc nào, tôi sẽ kể bạn nghe, dài lắm... cả những chuyện “ma”. Những câu chuyện truyền tụng “Cọp Khánh Hòa, Ma Bình Thuận”, bạn đã nghe hết chưa? Thôi để một đêm tối trời có mưa dầm gió hú, tôi sẽ kể cho bạn nghe. Trước mắt chúng ta đó là bãi biển Thương Chánh, nó không được đẹp lắm. Nhưng là một nơi mà dân thành phố không thể thiếu, nhất là vào mỗi mùa hè. Thương Chánh được che kín bởi những cây bàng cành lá vươn giăng như một ông khổng lồ mà ánh nắng mặt trời có khi phải ganh tuông. Phía đồi cát là “Đài Khí Tượng” với những trụ “ăng ten” cao ngất nghểu. Đi thêm ra nữa, bãi cát vàng trải rộng và từ cồn đá mọc dọc theo triền nước trông nó hấp dẫn làm sao! Người người chen chân từ cụm đá này nhảy lên ghềnh đá khác. Sóng biển mùa êm phủ lướt giòng nước mặn mát lên đôi bàn chân, cũng có lúc sóng giỡn đùa hất tạt lên ướt mặt và tiếng cười khúc khích vọng lên. Trên làn nước êm êm mát rượi là cả một khối người nô đùa bơi lội hoặc nằm phơi mình trên bãi cát. Những bụi phi lau, có kẻ gọi là cây dương cũng đủ che ánh nắng cho những anh chị thích tự tình và... chong mắt ra biển cả để nhìn chiếc thuyền trôi nổi theo từng đợt sóng.
* LẦU ÔNG HOÀNG, ĐỒI CÁT LONG HƯƠNG VÀ DẤU TÍCH VĂN HỌC NGHỆ THUẬT:
Thực tình chúng tôi không dám viết về vấn đề này vì di tích lịch sử Lầu Ông Hoàng, nơi mà một thi sĩ nổi danh Hàn Mặc Tử đã đến đây, hoặc đồi cát Long Hương đã được nhiều vị nhà văn, nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia đưa vào lịch sử, văn học nghệ thuật mà chúng tôi là hậu sinh của một nửa thế kỷ. Nhắc đến những di tích này như là để nhớ lại những danh lam thắng cảnh tỉnh Bình Thuận của kỷ niệm thời thơ ấu.
Lầu Ông Hoàng nằm trên một ngọn đồi tương đối cao cạnh bên Phú Hài, cách thị xã Phan Thiết khoảng mười cây số về hướng Đông Bắc, trên đường đi Mũi Né. Không biết lúc trước tại sao cố thi sĩ Hàn Mặc Tử có phải do người yêu của thi sĩ là Mộng Cầm dẫn lối đến đây và cũng khó biết trong những ngày “... đường lên dốc đá...” này cố thi sĩ đã sáng tác bao nhiêu bài thơ trữ tình đã được đưa vào văn học? Riêng chúng tôi, bọn nghịch ngộ thứ ba trong tam giới nhất quỉ nhì ma, vào đầu thập niên 60 đã bò lên đây với những con ngựa sắt kéo dây sên nặng nề. Trên đỉnh đồi cao chỉ có chơi vơi hai cái tháp cổ của thời Chiêm Thành đã rong rêu mòn mỏi theo năm tháng. Lối kiến trúc thực không thể coi là tầm thường được vì có những chạm trổ đường nét rất văn minh của thời tiền sử.
Đứng trên đỉnh đồi, chúng ta có thể phóng tầm mắt nhìn xa thấu đến Mũi Đèn, tức ngọn Hải Đăng nằm giáp tỉnh Bình Tuy, nhất là vào mùa hè. Đưa tầm mắt từ đó lui dần về Khe Nước, Bình Tú, trải qua Lạc Đạo, vòng ra Vinh Phú, Vinh Thủy, Thanh Hải, bọc qua Phú Hài và vòng ra Mũi Né của Hải Long là cả một dải cát trắng phau, có nơi màu trắng ngà với những làng mạc nhà cửa mái đỏ mái trắng chen nhau, trộn lộn với rừng cây sác ngoi cành theo con nước biển khi dâng lúc xuống. Cận kề trước mắt là những dãy đồi trùng điệp nối theo bờ biển qua những dãy đá ghềnh, và đưa thêm tầm mắt về hướng Hải Long là những con sông ngoằn ngoèo uốn lượn trong những làng mạc toàn một màu xanh của rừng dừa. Gió từ biển thổi vào mát rười rượi và lim dim tầm mắt phóng xa, cả một vùng trời biển xanh trong, hằng hà những con rắn bạc bò ngang vào xõa bọt trắng xóa trên từng bãi cát trùng trùng. Cũng từ ngoài vùng nước bao la, hàng trăm chấm trắng đen đang di động theo giòng nước, đó là những ghe thuyền của ngư phủ trở về từ biển cả với cá chứa đầy khoang. Một dải biển trời bao la, những phong cảnh tuyệt vời của Bình Thuận như thế. Thảo nào mà bà Mộng Cầm đã dìu thi nhân Hàn Mặc Tử lên tận Lầu Ông Hoàng mà tình tự, mà trải thơ gần như vô tận.
Thoáng qua một chút thắng cảnh của quê hương và lợi dụng ở đây để nhắc lại một vài kỷ niệm thuở còn “nhân chi sơ”. Sở dĩ chúng tôi biết Lầu Ông Hoàng và đã từng bò lết lên đây là vì sau khi đã xong phần trung học đệ nhất cấp, bọn nhóc chúng tôi thành lập ra một “thi văn đoàn” vì cứ tưởng rằng mình sẽ là nhà văn, thi sĩ. Cứ mỗi vài tuần trong niên học, hoặc gần như mỗi cuối tuần trong mùa nghỉ hè. Bọn chúng tôi góp tiền mua nước ngọt xá xị, vài cục đá lạnh, ít bánh “ông trăng” và đèo nhau trên những chiếc xe đạp ra Lầu Ông Hoàng. Leo lên được đến đỉnh đồi, đứa nào cũng mệt phờ, ngồi thở dốc. Nhưng chỉ mấy phút là đã thấy khỏe re vì gió biển thổi vào mát rượi. Chúng tôi tự mỗi đứa tìm chỗ, ở bụi cây, nơi tảng đá... và bắt đầu lấy giấy bút, sáng tác... văn... thơ! Sau vài tiếng đồng hồ, chúng tôi tụ họp lại, mỗi đứa ăn một cái bánh “ông trăng”, uống một ly nhỏ nước xá xị và bắt đầu... “nộp bài”. Có một lần, anh chàng đa ngôn nhất trong đám viết một đoạn văn “... cô gái nằm xỏa tóc bồng bềnh trôi theo từng đợt sóng, gió buồn tênh...”. Cả bọn chúng tôi ôm nhau cười lăn lóc: - Thế này là cô gái bị bệnh tương tư anh chàng Nghĩa Địa mất rồi! Nằm xỏa tóc bềnh bồng trôi theo từng ngọn sóng là đã bị chết trôi... Nhà “văn nhí” mắc cở, mặt đỏ như gấc. Nhưng đây là một ý hay và được sửa lại “...người con gái ngồi lặng trên ghềnh đá, mái tóc bồng bềnh tỏa che làn sóng đang vun từng chùm hoa trắng. Mắt nàng nhìn xa xa và nỗi buồn thả theo tiếng thở dài”. Lại một lần khác, cô bé thảo xong mấy câu thơ: “...Em đạp trên nhánh cây khô, mà hình dung anh ốm yếu, đời em lắm dại khờ...”. Bọn chúng tôi lại thêm một trận cười lăn lóc. Nàng “thi sinh” giận xanh mặt, lấy xe đạp đòi về. Tôi phải chạy theo tì vạt áo năn nỉ đừng vùng chạy kẻo vạt áo rách toang. Cô bé chịu thua... và chúng tôi xúm lại đồng thanh góp ý câu thơ: “...Em đạp nhánh cây khô, Anh nơi nào không thấy, Để em mãi bơ vơ...” Cũng nhờ “tinh thần văn chương thi phú” mà chúng tôi sáng tác rất hăng say. Nhưng nhiều truyện ngắn, tùy bút, thơ... của “Thi Văn Đoàn” được các ông chủ báo thẳng tay quẳng vào sọt rác, bọn chúng tôi mặt mày thiểu não như đưa đám văn thơ yên nghỉ trong sọt rác. Tuy thế, cũng rất nhiều bài đủ các loại thể được các ông chủ báo gửi “măng đa” cho ít tiền gọi là nhuận bút. Thế là “Thi Văn Đoàn” có ngân sách để mua giấy bút, tem cò bưu điện và nước ngọt, tiền vá lốp xe đạp và mớ bánh kẹo cho mỗi lần “đi công tác Lầu Ông Hoàng”. Cuối cùng thì cả bọn “văn nhân thi sĩ” không đứa nào nên trò trống vì quả không phải là dân viết lách. Thôi thì xếp bút giấy để trả nợ chinh chiến. Ôi! Cả một kỷ niệm mãi mãi thấm sâu trong cuộc đời nay tóc đang gần điểm muối tiêu. Những kỷ niệm từ Lầu Ông Hoàng, học đòi theo cố thi sĩ Hàn Mặc Tử của thời con nít gần năm mươi năm về trước.
Bây giờ tôi và bạn đang ở Tuy Phong, phố quận cuối cùng của tỉnh Bình Thuận. Ở đây quán chợ sinh hoạt cũng rất tấp nập và bến thuyền ở đây cũng ồn ào vào những buổi ngư dân đánh bắt cá trở về. Chúng ta ghé dãy sạp bên hông chợ, ăn một tô “bánh căng” để thấy nó khác hẳn mì vịt tìm, phở bắc... đây là món ăn rất bình dân, làm bằng bột gạo, nhưng nó khoái khẩu vô cùng. Ta cứ thủng thỉnh để cô hàng bánh đổ bột vào những cái khuôn đúc bằng đất sét nung. Trong cái “nồi đất” ấy là lửa than đang đỏ rực. Chờ bánh hơi sém vàng một chút, cô hàng quán sẽ xoáy ra bỏ vào tô, bạn cứ chan nước kho cá, hoặc nước mắm tỏi ớt. Ăn miếng bánh trong miệng với vị cay, mằn mặn, chua chua cứ tưởng rằng ăn một món gì cao lương mỹ vị. Đây là một lối biến chế đặc sản của Tuy Phong đó bạn. Miếng bánh mới đúc sém vàng nóng lắm phải không? Nhìn kìa, cô hàng quán đang đỏ hừng đôi má, có lẽ bạn ăn vội vì quá bắt miệng phải không? Nấu nướng cũng rất là văn hóa đó. Biết gia giảm, biết hòa trộn, biết làm cho người ăn ham mê là cả một nghệ thuật.
Long Hương trước mặt chúng ta đó, mấy trăm nóc gia ở đây chỉ sống duy nhất bằng nghề đánh bắt cá, bằng ghe lưới chài, bằng thúng giăng lưới cước và kéo giàng rùng. Bà con ở đây rất hiền lành, chất phác và rất là hiếu khách. Dù bạn là người xa lạ họ gặp và chào hỏi vồn vã, nhất là gặp lúc họ đang ăn cá hấp, gỏi tôm hùm, cá ngừ nướng lửa than và những lít rượu đế, rượu nếp than, cũng có cả bia con cọp nữa. Nếu rảnh rang thì cũng nên nhập cuộc cho vui. Ngoài xa kia là những dãy đồi cát nối chân nhau dài thăm thẳm. Nơi đây đã được nhiều nhiếp ảnh gia đưa những bức hình nghệ thuật vào nền văn học Việt Nam mà chúng ta đã từng thấy những bức hình, mà chúng tôi không thuộc hết các chủ đề của các nhiếp ảnh gia, nhưng đại để như dấu chân trên cát, quang gánh qua đồi, trượt dốc, gợn sóng trên đồi cát... Chạy dài theo bờ biển, những đồi cát vun cao, có đồi cát trắng xóa, có đồi cát màu trắng ngà. Đứng trên những đồi cát này chúng ta mới thấy con người nhỏ tí như những hạt cát nhưng đam mê như ở một sa mạc bao la, vào mùa hè gió biển phây phây thổi. Đứng trên những đồi cát này ta cảm thấy tâm hồn như chơi vơi, trắng xóa, không tì vết bụi trần. Đôi khi nó vắng lặng, im lìm như ở một chốn linh thiêng của trời đất. Ở cuối đỉnh đồi cát bên kia, những đứa trẻ chạy theo các chàng thanh niên đang nới những sợi dây cho con diều vút cao và tiếng sáo vi vu cả một vùng trời xanh. Tuột xuống khỏi những đồi cát cao ấy, chúng ta chạy theo những chàng thanh niên và bầy trẻ dễ thương đến những dãy ghềnh đá bao vòng một vùng rộng lớn, nhảy nhào xuống vùng nước biển trong veo, chúng ta có thể thấy những con tôm hùm đang cong đuôi bám vào tảng đá, có lẽ chúng đang say mê gặm rong rêu hoặc những con hàu. Chúng ta cũng có thể thấy từng bầy cá hanh, cá mú đá đang lao vút rượt đuổi theo con mồi. Mùa hè ở đây rất lý tưởng cho những ai thích thú lội trên mặt nước để nhìn những cảnh trí ấy vì nước xanh trong như cả một khối thủy tinh.
Những đồi cát ở đây cũng bị truồi phủ lấp các chòm cây nhưng vẫn không làm cho dãy đồi mòn thấp vì vào mùa gió chướng từ hướng bắc bồi cát lên cho đỉnh đồi. Mỗi mùa gió bấc ấy, chúng ta đi trên những dãy đồi này phải vén tà áo che mặt để cát khỏi bay vào “cửa sổ linh hồn” vì gió mạnh thổi cát từ bãi biển vung lên. Nếu bạn mặc quần áo cụt sẽ cảm thấy hơi ran rát như bị muỗi vắt chích. Mà không phải đâu, đó là những hạt cát tí ti bị gió thổi mạnh bắn vào tay chân bạn đấy thì thử hỏi làm sao việc của thiên nhiên tạo hóa lại có thể để cho những đồi cát ấy bình địa được!
Tôi nhớ thương trìu mến Bình Thuận quá đi thôi! Con người thì hiền lành chất phác mà đất đai khí hậu như những tấm lụa là êm ái ru người. Hai mươi mấy năm rồi, vừa phải trốn nhui trốn nhủi những kẻ say máu chiến thắng, vừa bị giam hãm chốn lao tù, lại dài thêm những tháng năm lưu vong nơi xứ tình người khô cằn như dãy sa mạc Nevada. Bây giờ về lại chốn đó ư? Các nhà “Tư Bản Đỏ” sẽ bóc lột đến tận xương tủy để vinh quang cho những con “Vẹm” đang bám chặt bờ đá hùng hục tìm ăn trên nỗi thê thảm của kiếp người rẻ mạt như đám rong rêu. Tôi khao khát một ngày nào bọn sơn tặc, hà bá tiêu tan, tôi sẽ về quê tôi, Bình Thuận, Việt Nam để ăn những con cá, ốc, tôm, mực tươi xanh. Tôi sẽ say mê những dĩa “lòng heo bánh hỏi Phú Long”. Tôi sẽ ra lầu Ông Hoàng để tìm lại mảnh đời thơ ấu và tôi sẽ chạy ra Long Hương, leo lên những đồi cát, lấy hai bàn tay bụm lại làm ống loa hú gào đồi núi, trời đất sông biển bao la hãy cùng tôi hát bài quê hương hòa bình tự do và no ấm!

HOÀNG ÂN
PHẠM LƯU VONG
(Garden Grove,
hè lưu vong thứ mười bảy)

No comments:

Post a Comment